Nguyên tắc sử dụng kháng sinh trị ho ở trẻ em

Tình trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề được xã hội cũng như giới y bác sĩ vô cùng quan tâm. Vậy làm thế nào để sử dụng kháng sinh đúng cách và hiệu quả là vấn đề đáng chú ý.

Nguyên tắc sử dụng kháng sinh trị ho ở trẻ em

Nguyên tắc sử dụng kháng sinh trị ho ở trẻ em

Đặc điểm ho ở trẻ em

Ở điều kiện sinh lý bình thường, ho là một phản xạ tự bảo vệ cơ thể, làm sạch đường thở, tống các chất nhầy, đờm và các chất lạ khác ra khỏi đường hô hấp, làm hô hấp thông thoáng, các nhung mao hoạt động tốt.

Tuy nhiên, ho cũng là triệu chứng của những rối loạn trong cơ thể như hen phế quản, trào ngược dạ dày, thực quản…với những trường hợp này, ho sẽ hết khi điều trị khỏi các rối loạn trên của cơ thể.

Với các trường hợp ho là triệu chứng kèm theo của viêm nhiễm đường hô hấp ( do tác nhân vi khuẩn) thì sử dụng kháng sinh để diệt vi khuẩn là phương án điều trị được lựa chọn. Nhưng sử dụng kháng sinh sao cho hiệu quả, an toàn, đặc biệt là trên đối tượng trẻ em thì cần theo những nguyên tắc nhất định.

Nguyên tắc sử dụng kháng sinh ở trẻ em

Điều đầu tiên cần thiết là xác định chính xác nguyên nhân gây ho ở trẻ em vì chỉ sử dụng kháng sinh để điều trị nếu nguyên nhân gây ho do tác nhân vi khuẩn, nấm… Còn nếu nguyên nhân do tác nhân virus thì không dùng kháng sinh để điều trị.

Việc xác định rõ vi khuẩn gây bệnh còn giúp cho sử dụng các loại kháng sinh đặc hiệu, đẩy nhanh tốc độ khỏi bệnh và giảm tỉ lệ kháng thuốc.

Nguyên tắc thứ hai là dùng đúng liều: Khi đã xác định rõ nguyên nhân do vi khuẩn, nên dùng loại kháng sinh phổ hẹp để điều trị, tránh gây các tác dụng phụ. Dùng kháng sinh đồ để lựa chọn loại kháng sinh phù hợp và liều cần thiết.

Ở trẻ em, thể tích phân bố, khả năng hấp thu, chuyển hóa hay thải trừ thuốc đều chưa hoàn thiện do sự chưa phát triển của các hệ cơ quan. Ngoài ra theo nhiều bí quyết chăm sóc sức khỏe được biết, nếu kê đơn không đủ liều có thể dẫn đến thất bại trong điều trị và làm tăng tỉ lệ kháng thuốc. Ngược lại, nếu dùng với liều cao có thể dẫn đến ngộ độc.

Dùng đủ thời gian: sử dụng kháng sinh thường không kéo dài quá 7 ngày. Nếu quá trinh điều trị kéo dài thì cần có sự phối hợp kháng sinh để nâng cao hiệu quả điều trị.

Đường dùng

Qua da: da trẻ em mỏng hơn da người lớn, nếu dùng các dạng bào chế qua da cần chú ý đến liều lượng bởi da trẻ em rất dễ và nhanh hấp thu dược chất.

Đường uống: cần chú ý liều lượng bởi hệ enzym ruột của trẻ chưa thực sự hoàn thiện, khả năng hấp thu chưa tốt.

Ngoài ra có thể dùng dạng đặt trực tràng với những loại thuốc có vị khó chịu, trẻ hay nôn trớ khi sử dụng.

Nên cho trẻ dùng các loại thuốc dạng dung dịch dễ sử dụng, dễ uống. Với các loại thuốc viên không nên tự ý bẻ, nghiền viên thuốc hay trộn, cho uống cùng với các loại nước hoa quả,…

Một số loại kháng sinh gây độc, tai biến cần tránh khi sử dụng với trẻ em

Cloramphenicol

Có thể gây nên “hội chứng xanh xám” cho trẻ sơ sinh, đặc biệt  là trẻ đẻ non. Cloramphenicol còn gây ngộ độc cho tủy xương, nếu dùng kéo dài có thể gây suy tủy, thiếu máu không hồi phục,ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ..

Tetracyclin

Không nên dùng cho trẻ dưới 8 tuổi vì thuốc này làm chậm phát triển xương, làm cho răng có màu vàng nâu vĩnh viễn. Dùng Tetracyclin còn có nguy cơ làm căng thóp ở trẻ sơ sinh.

Kháng sinh nhóm aminosid (như streptomycin, gentamycin)

Nếu dùng cho trẻ sơ sinh sẽ tác động xấu đến thính giác, dễ gây điếc.

Không nên dùng các loại sulfonamide như bactrim cho trẻ nhỏ vì dễ gây vàng da và độc với thận.

Không nên dùng các thuốc kháng sinh negram, nitrofurantoin, rifamicin cho trẻ nhỏ vì có thể gây vàng da, nhiễm độc cho gan

Nguồn: suckhoenguoicaotuoi.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *