Vitamin A có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là đối với sự phát triển của thị lực. Nếu thiếu vitamin A có thể dẫn đến bệnh quáng gà rất nguy hiểm.
- Dấu hiệu nhận biết và điều trị viêm kết mạc cấp ở trẻ
- Béo phì ở trẻ là gì? Nguyên nhân và tác hại của béo phì
- Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân khô khớp gối
Thiếu vitamin A có thể gây ra bệnh quáng gà
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bệnh quáng gà và vai trò của vitamin A qua bài phỏng vấn các bác si, chuyên gia đến từ Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur nhé!
Hỏi: Thưa bác sĩ, bệnh quáng gà biểu hiện như thế nào ạ?
Những biểu hiện của bệnh quáng gà
Trả lời:
Theo tin tức sức khỏe, bệnh quáng gà có những biểu hiện như sau:
- Vệt Bitô: Là những vệt trắng bóng trên màng tiếp hợp của mắt (còn gọi là kết mạc hay lòng trắng), thường có hình tam giác như đám bọt xà phòng, hay gặp ở sát rìa giác mạc ở vị trí 3 giờ hoặc 9 giờ, có thể thấy ở cả hai mắt. Vệt Bitô là những đám tế bào biểu mô kết mạc bị khô, dày lên, sừng hóa và bong vảy. Vệt Bitô là triệu chứng đặc biệt của tổn thương kết mạc mắt do thiếu vitamin A.
- Khô giác mạc: Giác mạc (hay còn gọi là lòng đen) trở nên mất độ bóng sáng, mờ đục như làn sương phủ, có thể sần sùi. Khô giác mạc hay xảy ra ở nửa dưới của giác mạc. Thường khô giác mạc hay kèm theo khô kết mạc, có khi kèm theo vệt Bitô. Biểu hiện quan trọng nhất là trẻ bị sợ ánh sáng, hay cụp mắt nhìn xuống, ra sáng thường nhắm mắt. Ở giai đoạn này nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng.
- Loét nhuyễn giác mạc: Loét giác mạc là sự mất tổ chức một phần hay tất cả các lớp của giác mạc. Khi loét giác mạc được phát hiện và điều trị kịp thời thì vết loét sẽ liền nhanh, sẹo nhỏ và mỏng, thị lực bị giảm ít. Nếu để loét giác mạc sâu và rộng thì sẽ bị mù vĩnh viễn.
- Sẹo giác mạc do khô mắt: Là di chứng sau khi bị loét giác mạc, tùy theo vị trí và mức độ sẹo (sẹo lồi, sẹo dúm) mà sẽ ảnh hưởng đến thị lực hoặc gây mù hoàn toàn.
- Tổn thương đáy mắt do khô mắt: Là tổn thương của võng mạc do thiếu vitamin A, biểu hiện thành tình trạng thiếu vitamin A mạn tính. Tổn thương thường gặp ở trẻ ở độ tuổi đi học, có thể kèm theo quáng gà. Phát hiện bằng cách soi đáy mắt, cho thấy hình ảnh các chấm nhỏ màu trắng hoặc vàng nhạt rải rác, dọc theo các mạch máu võng mạc. Điều trị bằng vitamin A sẽ giúp hồi phục nhanh chóng.
Hỏi: Thưa bác sĩ, khi phát hiện trẻ bị khô mắt thì điều trị như thế nào ạ?
Trả lời:
Khi phát hiện trẻ bị khô mắt thì cần điều trị ngay theo phác đồ như sau:
Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên:
- Ngay lập tức: uống 200.000 đơn vị quốc tế vitamin A.
- Ngày hôm sau: uống 200.000 đơn vị quốc tế vitamin A.
- Một tuần sau: uống 200.000 đơn vị quốc tế vitamin A.
Với trẻ dưới 12 tháng tuổi thì vẫn dùng liệu trình trên với liều mỗi lần uống là 100.000 đơn vị quốc tế vitamin A
Nước ta đã có chương trình phòng ngừa thiếu vitamin A. Tuy nhiên về lâu về dài việc cải thiện bữa ăn, bảo đảm ăn uống đủ chất dinh dưỡng giàu đạm, mỡ và vitamin A cho bữa ăn hàng ngày là giải pháp cơ bản và lâu dài để giải quyết vấn đề thiếu vitamin A.
Hỏi: Thưa bác sĩ, nếu uống thừa vitamin A thì có nguy hiểm không ạ?
Không nên tự ý uống vitamin A tùy tiện
Trả lời:
Đương nhiên là có nguy hiểm. Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị ngộ độc vitamin A là do các bậc cha mẹ đã tự ý bổ sung vitamin A tổng hợp cho trẻ qua đường uống mà không theo sự chỉ định của bác sĩ. Thêm vào đó là một khẩu phần ăn không hợp lý, tức là đã cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm có chứa vitamin A.
Ngộ độc cấp xảy ra khi uống vitamin A với liều rất cao sẽ có các dấu hiệu buồn ngủ, chóng mặt hoa mắt, buồn nôn, nôn, dễ bị kích thích, nhức đầu, mê sảng và co giật, tiêu chảy, … Các triệu chứng này xuất hiện sau khi uống quá liều từ 6 tới 24 tiếng.
Ngộ độc mạn tính xảy ra khi dùng vitamin A liều cao kéo dài. Các triệu chứng đặc trưng bao gồm: mệt mỏi, dễ bị kích thích, chán ăn, sút cân, nôn, rối loạn tiêu hóa, sốt, gan – lách to, da bị biến đổi, rụng tóc, tóc khô giòn, môi nứt nẻ và chảy máu, thiếu máu, nhức đầu, canxi huyết cao, phù nề dưới da, đau ở xương và khớp. Nghiêm trọng hơn ở trẻ còn có cả triệu chứng của tăng áp lực nội sọ (thóp căng), phù gai mắt, ù tai, rối loạn thị giác, sưng đau dọc các xương dài. Khi ngừng dùng vitamin A thì các triệu chứng cũng mất dần nhưng xương có thể ngừng phát triển do các đầu xương dài đã bị cốt hóa quá sớm.
Vì thế ngay khi nhận biết trẻ có dấu hiệu ngộ độc vitamin A thì phải ngừng dùng thuốc ngay và đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời.
Thừa hay thiếu vitamin A thì đều nguy hiểm cả nhé các bố mẹ. Các bố mẹ hãy suy nghĩ xem đã cho bé nhà mình uống vitamin A dự phòng hay chưa nhé, và nhớ bổ sung thực phẩm giàu vitamin A cho bé nhưng chú ý đừng để quá thừa nhé!
Nguồn: suckhoenguoicaotuoi.edu.vn