Cách phòng ngừa bệnh ngoài da vào mùa đông cho người cao tuổi

Càng nhiều tuổi, hệ miễn dịch của con người càng kém, đặc biệt là vào mùa đông thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống dưới mức trung bình làm người cao tuổi có sức đề kháng kém dễ mắc bệnh hơn. Vì thế, người cao tuổi cần chú ý giữ gìn sức khỏe và cần đề phòng một số bệnh về da sau đây.

Cần phòng ngừa một số bệnh ngoài da cho người cao tuổi vào mùa đông

Theo những chuyên gia về sức khỏe người cao tuổi Minh Tâm chia sẻ: Vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí thấp, gió nhiều nên các vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát tán rất nhanh. Chính vì vậy mà số lượng người mắc bệnh khô da cao hơn các mùa khác. Trong mùa lạnh, người cao tuổi do sức đề kháng kém nên càng dễ mắc bệnh hơn. Vì thế, người cao tuổi cần chú ý giữ gìn sức khỏe và cần đề phòng một số bệnh về da như sau:

Viêm da ứ trệ

Da vùng cổ chân, phần thấp của cẳng chân ngứa, thô ráp, nhăn nheo, đỏ sần, có mụn nước hoặc mụn mủ. Nếu chà xát hoặc gãi mạnh sẽ làm vùng da này tổn thương, nhiễm khuẩn, lở loét khó liền. Bệnh nhân phải được khám và dùng thuốc kháng sinh, kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Viêm da liên cầu

Bệnh thường biểu hiện bằng các đám da đỏ, mụn nước rải rác toàn thân, trên đầu nhiều vảy, ngứa. Người bệnh luôn cảm thấy lạnh do mất nhiệt qua da. Những trường hợp này bắt buộc phải dùng thuốc bôi tại chỗ kết hợp điều trị kháng sinh, kháng viêm theo đơn bác sĩ da liễu. Cần luôn luôn giữ da thoáng mát, tránh mặc quần áo chật, nên làm việc trong môi trường ít nóng bức. Ở người cao tuổi cần kiểm tra đường máu thường xuyên, nếu đường máu tăng cần chữa trị và theo dõi liên tục, cần lưu ý đến những vết thương trầy xước nhỏ. Bệnh nặng hơn phải vào viện điều trị.

Viêm da cơ địa

Theo bác sĩ, giảng viên Tạ Châu Anh hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ, viêm da cơ địa thường tiến triển mạn tính, có thể khỏi một thời gian, sau đó lại tái phát. Bệnh có tính chất gia đình. Thời tiết càng khô hanh thì da của người bệnh càng trở nên dày, khô, mốc trắng và ngứa. Vùng da dễ bị khô dày và tổn thương do gãi nhiều thường là nách, kẽ vú, bẹn, khuỷu tay, khoeo chân. Có người không chịu được ngứa đã gãi nhiều nên vùng da này càng dày hơn trông như hằn cổ trâu. Việc điều trị không dễ bởi các tổn thương bị nhiễm khuẩn, dùng thuốc hay có tác dụng phụ. Vì vậy, người bệnh nên được bác sĩ da liễu chỉ định dùng thuốc và theo dõi chặt. Tuyệt đối không gãi, không cạo, không chà xát. Nên rửa nhẹ nhàng bằng nước lã bình thường ngày 2 lần, không dùng xà phòng.

Chàm không tiết bã nhờn

Vị trí bị tổn thương nặng nhất thường là mặt trước hai cẳng chân và mặt duỗi hai cẳng tay. Da người bệnh căng lên, khô, nhiều đường nứt ngang dọc, có vảy trắng mỏng, bong ở rìa, ngứa rát khó chịu. Nếu gãi nhiều sẽ gây bội nhiễm. Khi có những triệu chứng trên, người bệnh không nên tắm nước quá nóng, không kỳ, gãi mạnh. Nên đi khám chuyên khoa da liễu để được dùng thuốc kháng sinh, thuốc bôi làm mềm da, giữ ấm cho da. Ngoài ra cần uống nhiều nước trong ngày.

Để phòng các bệnh trong mùa hanh khô, mọi người chú ý mặc quần áo thoải mái, không nóng quá, không lạnh quá, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Nếu có điều kiện, tùy theo nhu cầu sinh lý của cơ thể, tốt nhất mỗi ngày nên ăn 0,5kg hoa quả tươi hoặc rau xanh. Khi đi ra ngoài đường, nên đeo khẩu trang, mang kính, mũ để hạn chế bụi, gió khiến các bệnh ngoài da sẽ tái phát và nặng hơn.

                                                                                                                        Nguồn: suckhoenguoicaotuoi.edu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *