Cơ thể người cao tuổi đã bị lão hóa nên hệ miễn dịch đã suy yếu, sức đề kháng không còn như thời trẻ nên rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là khi thời tiết có nhiều biến đổi như mùa hè, mùa đông.
- Bác sĩ chia sẻ 4 cách phòng ngừa tiền tiểu đường
- Chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ thời điểm giao mùa hè thu người cao tuổi không nên ăn gì?
Cách phòng bệnh cho người cao tuổi ngày hè
Thời tiết nắng nóng, ngột ngạt, khó chịu của mùa hè sẽ khiến người cao tuổi mệt mỏi, chán ăn, giảm đề kháng. Theo bác sĩ Phạm Minh Châu hiện đang giảng dạy môn Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi – Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết những bệnh người cao tuổi dễ mắc phải vào mùa hè như:
Bệnh tim mạch: Mùa hè người cao tuổi dễ bị tim mạch do thời tiết nóng nực, mồ hôi ra nhiều khiến cơ thể mất chất điện giải và mất nước, từ đó tim đập nhanh, tụt huyết áp.
Bệnh xương khớp: Không phải chỉ mùa đông, người cao tuổi mới bị đau nhức xương khớp. Thời tiết khó chịu mùa hè khiến người cao tuổi mất ngủ, trằn trọc, khiến các cơn đau xương khớp trầm trọng hơn, nhất là các khớp vai gáy, khớp gối.
Bệnh đường hô hấp: kể cả thời tiết mùa hè người cao tuổi vẫn bị cảm lạnh nếu sinh hoạt không khoa học như tắm ngay khi đi nắng về, ngủ ở phòng nhiệt độ thấp. Nặng sẽ bị viêm phế quản, viêm phổi còn nhẹ sẽ dẫn đến các bệnh như viêm mũi, viêm họng.
Rối loạn tiêu hóa: Mùa hè nắng nóng, thức ăn dễ bị hư, rau nhanh bị héo úa, vi khuẩn cũng dễ sinh sôi và phát triển hơn, tạo điều kiện cho các bệnh rối loạn tiêu hóa xảy ra thường xuyên hơn. người cao tuổi ăn uống chưa hợp lý thường bị không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón khiến ăn không ngon, mất ngủ kéo dài.
Đột quỵ: Người cao tuổi dễ bị đột quỵ do thân nhiệt thường thay đổi vào mùa hè, nhất là những người có tiền sử tim mạch, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu hay tăng huyết áp… Bệnh về da: Một số bệnh về da như viêm da dị ứng gây ngứa cũng rất dễ xảy ra trong mùa hè do sự thay đổi nhiệt độ và sức đề kháng giảm. Thời tiết nóng nực cũng khiến người cao tuổi dễ say nóng, say nắng hay sốt đột ngột.
Để bảo vệ người cao tuổi khỏi các bệnh thường gặp mùa hè, người nhà cần thực hiện các biện pháp như:
Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý:
Người cao tuổi nên ăn đều đặn từ 4 – 5 bữa/ngày, ăn từng ít một lần để hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn, giảm áp lực cho dạ dày, giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
Ăn nhiều thực phẩm nâng cao sức đề kháng, giàu chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, đậu, phụ,….
Đồng thời, người cao tuổi cần bổ sung trái cây tươi, rau xanh để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất.
Bà Minh Tú – chuyên gia dinh dưỡng người cao tuổi lưu ý người cao tuổi nên ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không dùng thức ăn lạnh như chè đá, nước đá, trái cây lạnh sẽ tổn hại cho hệ tiêu hóa. Khi chế độ ăn thông thường không đủ, người cao tuổi có thể uống 1-2 ly sữa dành cho người già và nhớ là không uống sữa đặc để tránh gây táo bón.
Nói không với các thực phẩm gây hại, giảm tuổi thọ như rượu, bia, thức uống có cồn, thuốc lá.
Người cao tuổi không bị bệnh thận, tim mạch hay đường ruột có thể uống một lượng vừa phải cà phê vào buổi sáng nhưng không nên uống vào buổi chiều vì sẽ bị mất ngủ.
Song song đó, người cao tuổi nên hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn, xào, rán, chiên, mỡ, nội tạng động vật hay thức ăn tươi sống như rau sống, gỏi cá, nem chua…
Thực hiện chế độ kiêng khem phù hợp tình trạng bệnh, chẳng hạn như bệnh nhân bị tiểu đường phải hạn chế tinh bột, thức ăn ngọt; bệnh nhân xương khớp (gút) cần kiêng ăn tôm, cua, mực, thịt bò, thịt trâu, …
Uống đủ 1,5 – 2 lít nước, uống đúng cách và điều độ để làm sạch cơ thể, cung cấp cho da độ ẩm cần thiết, đồng thời hỗ trợ các hệ cơ quan hoạt động hiệu quả.
Tập luyện điều độ, hợp lý: Người cao tuổi nên tập luyện điều độ mỗi ngày ít nhất 20 phút/ngày các bài tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, thể dục tay không, dưỡng sinh kết hợp hít thở sâu. Người cao tuổi không nên thực hiện những bài tập quá sức để tránh gây tổn hại cho sức khỏe nhé.
Giữ vệ sinh sạch sẽ: Người cao tuổi cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm rửa bằng nước ấm để giảm thiểu tối đa tỉ lệ mắc các bệnh ngoài da. Bên cạnh đó, không gian sinh hoạt của người cao tuổi cần được giữ sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế gió lùa, tránh xa các loại vật nuôi – trung gian gây các bệnh truyền nhiễm.
Nghỉ ngơi hợp lý: Người cao tuổi cần thư giãn, đi ngủ đủ giấc, đúng giờ, đủ giấc. Đồng thời, giữ cuộc sống vui vẻ, thoải mái.
Cách phòng bệnh cho người cao tuổi vào mùa đông
Càng lớn tuổi, khối cơ trong cơ thể chúng ta sẽ càng giảm xuống. Đồng nghĩa với các cơ quan quan trọng như tim, gan, phổi, thận đều bị mất đi lớp áo giáp bảo vệ. Điều này kéo theo việc nhiệt độ cơ thể giảm, sức đề kháng kém, tạo cơ hội cho các bệnh về đường hô hấp, đột quỵ và xương khớp xảy ra.
Một số bệnh người cao tuổi thường gặp vào mùa đông là:
Chàm khô: Thời tiết lạnh và hanh khô mùa đông khiến da mất nước, giảm tiết mồ hôi và chất bã, đóng vảy. Vì vậy, mùa đông, người cao tuổi thường dễ bị khô da, nứt nẻ kèm theo ngứa có khi rất dữ dội, thậm chí còn dẫn đến tình trạng xuất huyết dưới da.
Bệnh về khớp: thời tiết lạnh ẩm sẽ khiến các cơ đau xương khớp ở người cao tuổi trầm trọng hơn. Ba loại bệnh về xương khớp mà người cao tuổi thường gặp nhất khi đến mùa đông là viêm khớp dạng thấp, thấp tim và gút.
Viêm phế quản, viêm phổi: Các vi si vật gây bệnh về đường hô hấp sẽ phát triển thuận lợi khi sức đề kháng của người cao tuổi sút giảm trong điều kiện môi trường có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, khí áp thấp.
Để đảm bảo sức khỏe trong mùa đông, người cao tuổi nên chú ý thực hiện một số biện pháp sau:
Giữ ấm cơ thể: Dù ở nhà hay ra ngoài, người cao tuổi đều cần mặc đủ ấm, dùng khăn len che mũi, miệng để tránh viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Phòng ở phải thông thoáng nhưng ấm, không có gió lùa. Cửa ra vào, cửa sổ phải có rèm hoặc kính che gió nếu phải mở ra đóng vào nhiều. Nếu không có việc cần thiết, người cao tuổi nên hạn chế đi ra ngoài trời lạnh. Ban đêm nếu phải tiểu đêm, người cao tuổi phải mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho cơ thể thích ứng với nhiệt độ thấp sau đó mới ra. Thực hiện tương tự nếu dậy sớm tập thể dục. Việc thay đổi nhiệt độ quá nhanh sẽ khiến xảy ra các biến chứng nguy hiểm như tái biến, nhồi máu cơ tim…
Ăn đủ chất: Người cao tuổi cần ăn đủ các thực phẩm giàu chất bột đường, chất đạm , đặc biệt là chất béogiúp cơ thể sinh năng lượng chống rét. Thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu năng lượng và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả. Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối để không mất ngủ. Tuyệt đối không dùng rượu để làm ấm cơ thể vì sẽ gây dãn mạch, khi tiếp xúc với trời lạnh rất nguy hiểm.
Tập luyện đều đặn: Tập thể dục thể thao giúp người cao tuổi giữ được khối lượng cơ, khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, tăng cường hoạt động hệ tim mạch, hô hấp, giảm đường huyết cũng như mỡ máu. Người cao tuổi nên tập những bài tập Vật lý trị liệu phục hồi chức năng ở chỗ kín gió, ấm áp, hoặc tập ngay trong nhà khi thời tiết quá lạnh. Hãy nhớ luôn khởi động kỹ cho người ấm lên mới bỏ áo ngoài và tập luyện, chỉ nên tập luyện vừa sức và không nên cố gắng tập khi quá lạnh.