Viêm phổi hay nhiễm khuẩn hô hấp nói chung thường do vi khuẩn, vi rus, nấm, ký sinh trùng… Mỗi nguyên nhân khác nhau các biểu hiện lâm sàng và hướng điều trị cũng khác nhau. Trong đó viêm phổi do phế cầu với tỷ lệ mắc tương đối cao.
- Tổng hợp những bệnh người cao tuổi thường gặp trong cuộc sống hiện đại
- Bí quyết vàng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Tìm hiểu về bệnh viêm phổi do phế cầu
Phế cầu gây bệnh viêm phổi như thế nào?
Phế cầu (streptococus pneumoniae) là vi khuẩn Gram (+), có vỏ bọc, đứng riêng lẻ hoặc thành cặp đôi hoặc thành chuỗi ngắn. Cấu trúc vỏ polysaccarid khác nhau theo typ, nên dựa và đó phế cầu được phân lập thành 84 typ khác nhau. Nhưng trong đó chỉ có một số typ gây bệnh như typ 1,3,4,6,7,8,9,12,14,19,23 trong đó typ 3 được cho là có độc tính cao nhất
Phế cầu phát triển ở niêm mạc hầu họng người bệnh và người khỏe (người lành mang trùng). Viêm phổi thường xảy ra ở những người có số lượng cao phế cầu ở niêm mạc hầu họng. Sự suy giảm cơ chế bảo vệ đường thở tạm thời hoặc mạn tính là yếu tố thuận lợi để phế cầu bị hút từ họng vào phế nang.
Phế cầu trong phế nang với một loạt phản ứng miễn dịch của cơ thể tạo nên phản ứng viêm tại chỗ với phù nề và tăng tiết dịch. Các phế nang chứa đầy dịch tiết tạo điều kiện cho phế cầu nhân lên qua lỗ Kohn, lỗ Lambert để lan rộng ra những phế nang xung quanh. Trong vòng vài giờ các phế nang chứa nhiều dịch được ví bị đông đặc lại do chứa đầy bạch cầu đa nhân trung tính, hồng cầu. Đây là giai đoạn bệnh điển hình nhất.
Theo nhiều bí quyết chăm sóc sức khỏe được biết, đại thực bào sẽ xâm nhập vào và dọn sạch phế nang. Vì thành phế nang còn nguyên vẹn nên cấu trúc phổi thường hồi phục bình thường sau khi khỏi bệnh
Viêm phổi do phế cầu chủ yếu xảy ra ở 1 thùy, cũng có trường hợp tổn thương nhiều thùy khi phế cầu theo dịch viêm lan đến thùy phổi khác theo đường phế quản hoặc lan tới màng phổi, màng tim gây mủ màng phổi, mủ màng ngoài tim. Phế cầu lan theo đường bạch huyết ở giai đoạn sớm của bệnh, nếu bạch huyết khu vực không khống chế được, vi khuẩn có thể vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, gây viêm nhiễm các cơ quan khác như khớp, não, thận mắt… Biến chứng xa này thường gặp ở các typ có độc tính cao
Kháng thể đặc hiệu xuất hiện sau 5-10 ngày từ khi mắc bệnh, làm tăng mạnh quá trình thực bào của cơ thể, là phương thức bảo vệ đặc hiệu, hiệu quả.
Biểu hiện của viêm phổi do phế cầu
Viêm phổi do phế cầu thường là viêm phổi thùy với đặc trưng là tình trạng viêm ở phế nang. Cũng có thể tổn thương kiểu viêm phế quản – phổi nhưng ít gặp.
Dấu hiệu lâm sàng của bệnh rất đặc trưng: Bệnh thường xuất hiện sớm sau nhiễm phế cầu đường hô hấp trên với triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, gai rét kéo dài khoảng 1 giờ. Sau đó sốt cao 39-41oC, thở nhanh, mạch nhanh, ho khan, đau ngực, buồn nôn, nôn. Cao điểm vào ngày thứ 2-3, bệnh nhân rất mệt, ho khạc đờm màu rỉ sắt do có chảy máu trong phế nang, có nốt herpes ở môi, thở nhanh nông, vã mồ hôi. Thầy thuốc khám thấy cử động lồng ngực bên tổn thương giảm, rì rào phế nang giảm, rung thanh tăng, có tiếng cọ màng phổi, ran nổ, thổi ống, gõ đục tại vùng phế nang đông đặc. Ở người già, triệu chứng thực thể mờ nhạt nhưng triệu chứng loạn thần nhiễm khuẩn thường nổi bật
Trước kia khi chưa có kháng sinh các triệu chứng trên rất điển hình, sau 5-10 ngày xuất hiện “cơn bệnh biến”: Nhiệt độ giảm nhanh về bình thường hoặc thậm chí hạ thân nhiệt, bệnh nhân đái nhiều, vã mồ hôi, có thể trụy tim mạch dẫn đến tử vong, tỷ lệ tử vong khoảng 30%. Số khác thì bệnh giảm từ từ không có “cơn bệnh biến” và khỏi dần.
Ngày nay do sự phổ biến của kháng sinh, triệu chứng của bệnh ít điển hình hơn, đôi khi chỉ đau ngực và ho, thậm chí không sốt, không khác đờm. Dùng kháng sinh đúng bệnh thuyên giảm nhanh chóng và tỷ lệ tử vong giảm xuống khoảng 5%, đối với trường hợp nặng có nhiễm khuẩn huyết, tỷ lệ này là 17%.
Bệnh thường nặng hơn ở người già, trẻ con, người nghiện rượu, phụ nữ có thai những tháng cuối, có các bệnh mạn tính kèm theo, người có bạch cầu máu ngoại vi thấp
Nguồn: suckhoenguoicaotuoi.edu.vn