Chuẩn đoán bệnh của trẻ thông qua thóp

Thóp là một bộ phận nhỏ trên cơ thể của trẻ sơ sinh, nó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Thông qua thóp có thể biết được một số dấu hiệu sức khoẻ.

Chuẩn đoán bệnh của trẻ thông qua thóp

Chuẩn đoán bệnh của trẻ thông qua thóp

Vai trò của thóp với trẻ

Ở trẻ em dưới 3 tuổi, đầu trẻ có những chỗ mềm, phập phồng nhẹ gọi là thóp. Thóp ở trẻ sơ sinh gồm có hai phần là thóp trước và thóp sau. Thóp trước có hình thoi do 2 xương trán và 2 xương đỉnh tạo nên, thóp sau có hình tam giác do 2 xương đỉnh và 1 xương chẩm tạo nên. Thóp trẻ sơ sinh có bản chất là màng sợi giúp gắn kết các xương sọ lại với nhau. Các sợi này tạo nên tính đàn hồi cho hộp sọ, giúp thay đổi kích thước của đầu để trẻ có thể qua âm đạo của mẹ dễ dàng hơn và khi trẻ ra đời, thóp như một lớp đệm bảo vệ não bộ khỏi những chấn động bên ngoài nếu như trẻ bị ngã, va đập. Việc gội đầu và sử dụng mũ đội cho trẻ hay chải đầu cũng không làm tổn thương đến thóp.

Chẩn đoán bệnh của trẻ thông qua thóp như thế nào

Trong những tháng đầu, xương sọ của trẻ dần phát triển nên thóp của trẻ cũng tiến tới quá trình liền thóp. Khi trẻ mới sinh ra, thóp trước có kích thước 2.5*2.5 cm, sau đó do sự tăng trưởng của chu vi vòng đầu mà thóp lớn dần vào tháng thứ 2- 3 rồi dần nhỏ lại. Thời gian để thóp đóng kín hoàn toàn thường trước 24 tháng tuổi. Nếu thóp đóng lại quá sớm hoặc quá muộn đều là biểu hiện của bệnh lý. Nếu thóp trẻ đóng kín lại sớm thì não của trẻ sẽ không đủ không gian để phát triển làm ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ. Thóp đóng kín sớm có thể do bẩm sinh, não hoặc xương đầu cốt hoá sớm hoặc người mẹ bị phơi nhiễm với tia X- quang trong thời gian dài hoặc cũng có thể sau khi trẻ bị viêm não, đại não ngừng phát triển gây nên. Ngược lại nếu thóp và khe khớp rộng ra theo tuổi, thóp đóng kín muộn có thể do khả năng xương chậm cốt hoá do suy giáp, còi xương, suy dinh dưỡng hoặc não to lên bất thường gây nên. Theo nhiều bí quyết chăm sóc sức khỏe được biết, thóp có thể đóng vào bất kỳ thời gian nào trong khoảng từ 4- 26 tháng. Nếu đã đươc 27 tháng mà thóp trước vẫn chưa đóng hết thì nên cho bé đi khám. Hiện tượng thóp trước đóng trước 4 tháng rất hiếm khi xảy ra nhưng nếu đóng trước 4 tháng thì cũng cần phải cho trẻ đi khám. Thóp của trẻ bình thường bằng phẳng, sờ vào thấy phập phồng theo nhịp đập của tim, mạch, sờ lên thóp có cảm giác mềm và phía dưới trống rỗng. Nếu thóp trước bỗng trở nên căng đầy hoặc có hiện tượng thóp phồng chứng tỏ áp suất bên trong hộp sọ tăng cao ( y khoa gọi là tăng áp lực nội sọ), thì có thể nghi ngờ trẻ bị viêm màng não, não úng thủy..Tuy nhiên nên lưu ý là khi trẻ khóc thì thóp cũng nhô cao lên nên cần kiểm tra thóp của trẻ khi trẻ bình tĩnh. Nếu thóp lõm xuống thì đó là biểu hiện cho việc trẻ bị mất nước, nguyên nhân có thể do tiêu chảy, nôn hoặc suy dinh dưỡng nặng. Việc chạm tay vào thóp không gây nguy hiểm gì cho trẻ, do đó, nếu cảm thấy có bất thường, để yên tâm nên cho trẻ đi khám tại các cơ sở chuyên khoa nhi để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị nếu có.

Thóp là bộ phận khá nhạy cảm của trẻ, nên cũng cần thức hiện giữ ấm vùng đầu cho trẻ. Để đảm bảo cho quá trình liền thóp nên cho trẻ bổ sung vitamin D và canxi, không cho trẻ ăn dặm quá sớm, bổ sung dưỡng chất đầy đủ cho trẻ và không để vật nhọn chạm vào thóp của trẻ.

Nguồn: suckhoenguoicaotuoi.edu.vn               

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *