Sức đề kháng của người cao tuổi dần bị yếu đi theo thời gian, tạo điều kiện cho các loại bệnh tấn công khi thời tiết thay đổi, trong đó điển hình là bệnh hô hấp.
Người cao tuổi dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp khi thời tiết thay đổi như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản cấp… nhất là với những người cao tuổi mắc bệnh mạn tính. Nếu không điều trị kịp thời, các bệnh người cao tuổi về đường hô hấp dễ gây ra những biến chứng khó lường.
Biểu hiện của bệnh hô hấp ở người cao tuổi ra sao?
Có nhiều người cao tuổi mắc bệnh lý hô hấp nhiễm khuẩn hô hấp không có biểu hiện trên lâm sàng điển hình, chẳng hạn như không sốt, hoặc sốt không cao; ho ít, đôi khi chỉ ho là dễ bỏ sót; người bệnh lại ít có khả năng khạc đờm. Một số người bệnh thậm chí chỉ có biểu hiện rối loạn ý thức, chậm chạp, lú lẫn…Nhưng, một số bệnh nhân có các dấu hiệu như: chảy mũi, ho, đờm, sốt, đau ngực, lạnh run… Nếu các viêm nhiễm ở đường hô hấp dưới thường có các triệu chứng như: thở dốc, khó thở, lạnh run, sốt liên tục; thở nhanh và đau ngực; ho nhiều kèm theo đờm có thể lẫn máu; đau ngực; ra nhiều mồ hôi vào ban đêm và sụt cân.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh hô hấp
Theo DSCKI, giảng viên Nguyễn Tiến Thành hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến người cao tuổi mắc bệnh trong đó nguyên nhân gây bệnh lý hô hấp thường gặp nhất là sự thay đổi thời tiết làm phát tác các bệnh mạn tính của hệ hô hấp, các yếu tố ô nhiễm môi trường, các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng răng miệng… đặc biệt các bệnh do tuổi tác như: đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận… làm hệ miễn dịch cơ thể sụt giảm khiến dễ mắc bệnh hô hấp.
Cách phòng ngừa bệnh hô hấp cho người cao tuổi
Theo bác sĩ, giảng viên Cao đẳng Dược Đặng Bình Minh: Những người bị các bệnh mãn tính như: viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang cần bỏ thuốc lá, thuốc lào, bởi chúng là nguyên nhân khiến các bệnh hô hấp nặng thêm và còn có nguy cơ mắc thêm các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim.
Đối với người cao tuổi bị mắc các bệnh mãn tính hoặc bị tai biến mạch máu não, người nhà cần thường xuyên trợ giúp vỗ lưng tránh ứ đọng dịch tiết hô hấp làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Khi các cụ có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có các biện pháp điều trị kịp thời. Thời điểm điều trị càng sớm và thích hợp thì khả năng phục hồi cũng như giảm tỷ lệ tử vong đi càng nhiều.