Hiện nay, tiểu đường là căn bệnh không của riêng ai vì mức độ nguy hiểm cũng như hệ lụy gây ra cho người mắc. Chính vì vậy, người thân cần nắm chắc những điều cần biết về căn bệnh này để giúp việc điều trị bệnh được tốt hơn.
- Sốt virus nên ăn gì?
- Những điều cần biết về rối loạn lưỡng cực và cách điều trị
- Bị xước giác mạc phải làm sao?
Những điều cần biết về bệnh tiểu đường ở người cao tuổi
Số bệnh nhân tiểu đường cao tuổi đang gia tăng
Số người mắc bệnh tiểu đường gia tăng theo độ tuổi, nhưng trong một cuộc khảo sát gần đây, cứ trong 5~6 người trên 60 tuổi thì có 1 người được chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường, đây là con số đáng kinh ngạc về số lượng người mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, khi tuổi càng cao thì biến chứng của bệnh tiểu đường càng nhiều hơn, các bệnh như xơ vữa động mạch do tiểu đường xuất hiện, vì vậy, người tiểu đường có thể mắc thêm nhiều bệnh kèm theo.
Mặt khác, cũng có những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường ở mức độ nhẹ với tình trạng sức khỏe như những người trẻ tuổi, do đó việc điều trị bệnh tiểu đường ở người cao tuổi sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và xem xét lối sống của từng bệnh nhân.
Đặc trưng của bệnh tiểu đường ở người cao tuổi
Tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh tiểu đường (thời gian mà người bệnh sống chung với bệnh tiểu đường), các phương pháp điều trị trước đó, lối sống như thế nào, mà có sự khác biệt về thể chất và tình trạng bệnh của mỗi cá nhân. Việc tiết insulin từ tuyến tụy và hiệu quả trong các mô ngoại vi (độ nhạy insulin) giảm theo độ tuổi và lượng đường trong máu tăng lên.
- Tần suất gặp các biến chứng tiểu đường như bệnh võng mạc, bệnh thận, bệnh thần kinh nhiều hơn. Ngoài ra, khi tuổi càng cao, thì càng có nguy cơ gặp các bệnh như xơ vữa động mạch, ung thư, chứng mất trí nhớ, dần dần không thể tự mình thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (ADL), số người có nhu cầu chăm sóc dài hạn gia tăng.
- Chức năng của thận bị suy giảm và đường nước tiểu trở nên ít hơn so với tỷ lệ lượng đường trong máu. Ngoài ra, các loại thuốc dễ tích lũy trong cơ thể.
- Do thể lực và sức mạnh cơ bắp giảm khi cao tuổi, nên liệu pháp vận động phải được điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, bệnh nhân cao tuổi cũng có nguy cơ cao bị té ngã và gãy xương.
- Người bệnh có nguy cơ cao bị hạ đường huyết, thường thì hạ đường huyết ở người cao tuổi không có triệu chứng đặc trưng nên người bệnh khó nhận biết và điều trị ngay lập tức.
- Bệnh nhân có thể bị suy giảm chức năng nhận thức, trở thành trở ngại trong việc điều trị bệnh tiểu đường.
- Đôi khi các triệu chứng cơ năng của bệnh tiểu đường được cho là “do tuổi tác” và họ chủ quan không biết rằng mình bị bệnh, do đó cũng không điều trị bệnh.
- Thay đổi thói quen sống ở người già không phải là dễ dàng.
Các điểm cần chú ý trong cuộc sống hàng ngày
Theo nhiều bí quyết chăm sóc sức khỏe được biết, việc điều trị và những chỉ số kiểm soát cơ bản ở người già được thực hiện như đối với người trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình chữa trị và sống cùng bệnh, nên chú ý đến những thay đổi trong tâm lý và cơ thể do lão hóa ở người già. Tiếp theo, là những tóm tắt về các chú ý trong điều trị và chăm sóc cuộc sống hàng ngày của người cao tuổi.
Liệu pháp ăn uống
- Liệu pháp ăn uống cho người cao tuổi là nền tảng của việc điều trị.
- Bệnh nhân cần sự tư vấn của bác sĩ điều trị và đưa ra những giải pháp thích hợp nhất. Ngoài ra, trường hợp cần sự hỗ trợ của gia đình, bác sĩ sẽ hướng dẫn người nhà bệnh nhân về việc điều trị.
- Có một số trường hợp bệnh nhân cho rằng việc điều trị bệnh là chỉ cần kiểm soát tốt đường huyết và nghĩ rằng có lẽ giảm lượng ăn sẽ tốt, tuy nhiên nếu ăn ít sẽ không cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân sẽ không thể duy trì sức khỏe. Ngoài ra, ở người cao tuổi, sức mạnh cơ bắp giảm, xương trở nên yếu, hệ miễn dịch suy giảm và dễ bị các bệnh truyền nhiễm.
Protein là chất đặc biệt quan trọng trong chế độ dinh dưỡng người cao tuổi. Những thực phẩm giàu protein như cá, thịt, đậu nành và các sản phẩm chế biến từ đậu nành. Nếu bạn không thể ăn chúng vì răng yếu thì có thể lựa chọn trứng, trứng cũng là một nguồn dinh dưỡng tốt. Trước đây, người ta cho rằng nên hạn chế ăn trứng vì trứng có hàm lượng cholesterol lớn, nhưng hiện nay đã có nhiều loại thuốc giúp hạ cholesterol nên việc lượng cholesterol cao do ăn trứng không còn là vấn đề đáng lo lắng. Vì thế: “Có thể ăn 1 quả trứng mỗi ngày”.
Liệu pháp vận động
Tập thể dục chưa hẳn đã tốt đối với bệnh tiểu đường ở người già. Ở những người cao tuổi, có rất nhiều người gặp các vấn đề về chức năng tim mạch, hoặc đau khớp đầu gối. Khi bệnh nhân bắt đầu vận động không hợp lý, vô tình kéo theo các bệnh khác (ví dụ như đau thắt ngực, suy tim, viêm khớp,…). Vì thế, trước khi bắt đầu thực hiện liệu pháp tập luyện, nên kiểm tra sức khỏe và thực hiện những bài vận động phù hợp với thể lực của bản thân.
Điều trị bằng thuốc
Dưới đây là hai vấn đề cần chú ý trong điều trị bệnh tiểu đường ở người cao tuổi bằng thuốc.
Khi các chức năng của cơ thể suy giảm theo độ tuổi, người cao tuổi cần có thêm thời gian để chuyển hóa và bài tiết thuốc và thuốc sẽ còn lưu lại trong máu một thời gian dài. Nếu tiếp tục cung cấp một lượng thuốc vào cơ thể trong khi lượng thuốc trước đó vẫn tồn đọng trong máu thì có thể xảy ra hạ đường huyết. Để tránh tình trạng hạ đường huyết như vậy, khi người già bắt đầu điều trị bằng thuốc nên bắt đầu với lượng ít hơn quy định, sau đó sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy thuộc vào sự phản ứng trong cơ thể mỗi người.
Ngoài ra, khi gặp nhiều biến chứng, sẽ phải sử dụng nhiều loại thuốc hơn, bác sĩ sẽ không thể dự đoán được những tác dụng phụ nào có thể xảy ra. Vì thế, để giúp cho việc điều trị của bác sĩ, bản thân bệnh nhân hãy mang theo thuốc mình sử dụng tại thời điểm lần đầu tiên đến khám và đưa cho bác sĩ. Ngoài ra, khi bắt đầu uống thuốc mới, nên chú ý những thay đổi về triệu chứng cơ năng và những chỉ số kiểm tra, báo với bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.
Nguồn: suckhoenguoicaotuoi.edu.vn