Trong suốt quãng thời gian của cuộc đời, cấu trúc và chức năng da sẽ thay đổi theo chiều hướng phát triển mạnh mẽ trong tuổi ấu thơ cho đến khi trưởng thành và sau đó dần bị lão hóa khi tuổi già.
Lão hóa da
Theo bác sĩ, giảng viên Quốc Thái hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, lão hóa da do 2 yếu tố gây nên, đó là: Yếu tố nội sinh do thời gian của cuộc đời làm con người già đi (lão hóa da thực sự) và yếu tố ngoại sinh do những tác động môi trường bên ngoài mà ánh nắng mặt trời là nhân tố quan trọng nhất gây lão hóa da.
biểu hiện của lão hóa da có thể nhận biết là da khô, khi sờ thấy thô ráp, da bị nhăn nheo, da nhão, da chùng xuống, da bị teo, da có màu vàng nhạt không còn hồng hào như trước nữa, xuất hiện các tổ chức tân sinh lành tính, các vết sắc tố và nám da, da trở nên lỏng lẻo, độ đàn hồi kém… Các mạch máu, tuyến mồ hôi, tuyến bã, các đầu mút thần kinh ở da cũng giảm về số lượng và teo nhỏ về kích thước.
Ngứa da
Ngứa da ở tuổi già không gây tổn hại đến sức khỏe nhưng mang lại rất nhiều phiền toái và khó chịu. Ngứa da, gãi nhiều làm da bị trầy xước và có chỗ dày lên như các vết sừng. Nguyên nhân ngứa da chủ yếu là do tuổi đã cao, sức khỏe suy yếu, các chức năng cơ thể bị thoái hóa, các hormon sinh dục bị mất cân bằng dẫn đến khô da. Bệnh nặng lên bởi thời tiết lạnh, hanh khô, tắm quá nhiều hoặc tắm nước quá nóng, dùng xà bông hay chất tẩy rửa mạnh…
Để hạn chế tình trạng ngứa da, người cao tuổi nên lưu ý chỉ tắm nước đủ ấm (không tắm nước nóng quá) và hạn chế dùng xà phòng. Có thể dùng một số loại kem dưỡng ẩm giúp giữ ẩm cho da. Mặc quần áo mỏng và rộng, tránh bó sát vào người dễ gây cọ xát và kích ứng da. Đồ ăn cần thanh đạm, không nên ăn quá mặn, quá nhiều dầu mỡ, hạn chế các loại thức ăn cay và có chứa các chất mang tính kích thích. Ít uống các loại đồ uống như rượu, chè đặc hay cà phê. Ăn nhiều rau củ và hoa quả.
Dày sừng da (đồi mồi)
Dày sừng da là bệnh hay gặp ở người sau 50 tuổi, do sự lão hóa của da. Dày sừng da thường xuất hiện ở mặt, cổ, cánh tay và xuất hiện nhiều hơn ở người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ban đầu, các đốm này màu nâu nhạt, sau đó ngày càng trở nên đậm màu hơn với kích thước to nhỏ không đều.
Để làm chậm sự lão hóa của da, chuyên gia Vật lý trị liệu Ngô Bảo Anh chia sẻ người cao tuổi có thể tăng cường sự tuần hoàn bằng massage da mặt, xoa bóp cánh tay hàng ngày hoặc dùng kem dưỡng da. Hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp nhiều với ánh nắng mặt trời, khiến các đốm này ngả dần sang màu nâu sậm.
Một số lưu ý
Ðể làm giảm mắc bệnh ngoài da ở người cao tuổi, trước hết cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Bởi vì trong cuộc sống hàng ngày khó có một chế độ dinh dưỡng nào dành riêng cho da của người cao tuổi, trong khi đó, nâng cao sức đề kháng của cơ thể người cao tuổi thì có ảnh hưởng rất tốt đến mọi cơ quan, trong đó có tổ chức da.
Chuyên gia dinh dưỡng người cao tuổi khuyến khích ăn uống đủ chất và đủ số lượng trong từng bữa ăn là hết sức quan trọng. Trong các bữa ăn, nên hạn chế ăn thịt mà tăng cường ăn cá, rau và quả. Cá, rau và quả có rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho mọi cơ quan trong cơ thể vì chúng cung cấp các loại vi chất chống lão hóa và đồng thời trong rau có nhiều chất xơ là loại góp phần chống táo bón ở người cao tuổi. Tốt nhất mỗi ngày nên ăn 0,5kg hoa quả tươi hoặc rau xanh.
Nơi người cao tuổi nằm ngủ hàng ngày cũng cần thoáng, mát, tránh ẩm, ướt đề phòng các loại vi nấm phát triển, nhất là vi nấm gây bệnh ngoài da. Nên thường xuyên rèn luyện cơ thể bằng các bài thể dục hoặc đi bộ.